QUY ĐỊNH CHUẨN MỰC KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC SỐ 1260 TRAO ĐỔI CÁC VẤN ĐỀ VỚI ĐƠN VỊ ĐƯỢC KIỂM TOÁN TRONG KIỂM TOÁN TÀI CHÍNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 02/2016/QĐ-KTNN
ngày 15 tháng 7 năm 2016 của Tổng Kiểm toán nhà nước)
QUY ĐỊNH CHUNG
Cơ sở xây dựng
- Chuẩn mực này được xây dựng và phát triển dựa trên cơ sở CMKTNN 100 – Các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, CMKTNN 200 – Các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán tài chính và ISSAI 1260 của INTOSAI – Trao đổi với Ban quản trị đơn vị được kiểm toán.
Mục đích và phạm vi áp dụng
- Chuẩn mực này quy định và hướng dẫn trách nhiệm của kiểm toán viên nhà nước trong việc trao đổi các vấn đề liên quan đến cuộc kiểm toán tài chính với đơn vị được kiểm toán.
- Kiểm toán viên nhà nước phải tuân thủ các quy định và hướng dẫn của Chuẩn mực này trong quá trình thực hiện kiểm toán. Đơn vị được kiểm toán, các bên có liên quan và các bên sử dụng kết quả kiểm toán phải có những hiểu biết cần thiết về các quy định và hướng dẫn của Chuẩn mực này để phối hợp công việc với kiểm toán viên nhà nước và giải quyết các mối quan hệ trong quá trình kiểm toán.
Nguyên tắc sử dụng thuật ngữ
- Các thuật ngữ sử dụng trong chuẩn mực này được định nghĩa như trong các chuẩn mực kiểm toán do Kiểm toán nhà nước ban hành.
NỘI DUNG CHUẨN MỰC
Mục đích của việc trao đổi
- Việc trao đổi hai chiều giữa kiểm toán viên nhà nước và đơn vị được kiểm toán nhằm mục đích hỗ trợ:
- Kiểm toán viên nhà nước và đơn vị được kiểm toán hiểu được các vấn đề liên quan đến cuộc kiểm toán và tăng cường quan hệ hỗ trợ lẫn nhau trong công việc mà vẫn đảm bảo tính độc lập, khách quan;
- Kiểm toán viên nhà nước thực hiện trao đổi với đơn vị được kiểm toán nhằm thu thập thông tin liên quan đến cuộc kiểm toán (thông tin về đơn vị, môi trường hoạt động, hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị; nhận biết nguồn cung cấp bằng chứng kiểm toán phù hợp với các nội dung kiểm toán cụ thể…);
- Kiểm toán viên nhà nước phải thông báo đầy đủ cho đơn vị được kiểm toán về trách nhiệm của kiểm toán viên nhà nước, trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán trong cuộc kiểm toán, phạm vi và thời gian dự kiến thực hiện cuộc kiểm toán tài chính;
- Kiểm toán viên nhà nước kịp thời thông báo cho đơn vị được kiểm toán các vấn đề đáng lưu ý mà kiểm toán viên nhà nước biết được khi thực hiện cuộc kiểm toán liên quan đến trách nhiệm giám sát quá trình lập và trình bày báo cáo tài chính của lãnh đạo đơn vị, qua đó lãnh đạo đơn vị được kiểm toán tăng cường trách nhiệm giám sát quá trình lập và trình bày báo cáo tài chính, góp phần giảm thiểu rủi ro xảy ra các sai sót trọng yếu đối với báo cáo tài chính.
- Việc trao đổi của kiểm toán viên nhà nước với đơn vị được kiểm toán không làm giảm trách nhiệm của mỗi bên đối với cuộc kiểm toán và phải tuân thủ yêu cầu về bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật.
Trao đổi thông tin với đơn vị được kiểm toán
- Kiểm toán viên nhà nước phải xác định những thành viên trong đơn vị được kiểm toán mà kiểm toán viên nhà nước cần trao đổi thông tin khi thực hiện kiểm toán. Để xác định được người cần trao đổi thông tin, kiểm toán viên nhà nước cần tìm hiểu bộ máy tổ chức và các quy trình quản trị của đơn vị được kiểm toán.
- Khi trao đổi các vấn đề với một bộ phận quản lý trong đơn vị được kiểm toán (Ban kiểm soát, bộ phận Tài chính – Kế toán, bộ phận Kế hoạch…), kiểm toán viên nhà nước phải xem xét các vấn đề sau:
- Trách nhiệm của từng bộ phận và của cá nhân lãnh đạo đơn vị được kiểm toán;
- Nội dung cần trao đổi;
- Pháp luật và các quy định có liên quan đến các nội dung trao đổi;
- Liệu bộ phận trong đơn vị dự kiến trao đổi có đủ thẩm quyền tiến hành các biện pháp xử lý đối với các nội dung được trao đổi và có thể cung cấp thêm thông tin, giải trình cần thiết hay không.
- Khi trao đổi các vấn đề với một bộ phận quản lý trong đơn vị được kiểm toán, kiểm toán viên nhà nước phải xem có cần phải trao đổi lại thông tin với lãnh đạo đơn vị hay không. Để xác định sự cần thiết, kiểm toán viên nhà nước cần đánh giá về mức độ phù hợp và thỏa mãn của việc trao đổi thông tin với từng bộ phận quản lý của đơn vị và những nội dung cần phải trao đổi lại với lãnh đạo đơn vị được kiểm toán.
Các vấn đề cần trao đổi
Trách nhiệm của kiểm toán viên nhà nước đối với cuộc kiểm toán tài chính
- Kiểm toán viên nhà nước phải trao đổi với đơn vị được kiểm toán về trách nhiệm của kiểm toán viên nhà nước đối với cuộc kiểm toán tài chính, trong đó:
- Kiểm toán viên nhà nước có trách nhiệm đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính và thông tin tài chính do đơn vị chịu trách nhiệm lập và trình bày;
- Việc thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính và thông tin tài chính không làm giảm trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị được kiểm toán.
Phạm vi và lịch trình kiểm toán theo kế hoạch kiểm toán
- Kiểm toán viên nhà nước phải trao đổi với đơn vị được kiểm toán về phạm vi và lịch trình kiểm toán dự kiến nhằm:
- Giúp đơn vị được kiểm toán hiểu rõ hơn về trình tự công việc kiểm toán; thảo luận các vấn đề rủi ro và mức trọng yếu và xác định phạm vi công việc yêu cầu kiểm toán viên nhà nước phải thực hiện các thủ tục bổ sung; chủ động bố trí nhân sự, thời gian phối hợp làm việc với kiểm toán viên nhà nước.
- Giúp kiểm toán viên nhà nước hiểu rõ hơn về đơn vị được kiểm toán và môi trường hoạt động của đơn vị.
- Kiểm toán viên nhà nước cần thận trọng khi trao đổi với đơn vị được kiểm toán về phạm vi và lịch trình kiểm toán theo kế hoạch để không ảnh hưởng đến hiệu quả cuộc kiểm toán do việc trao đổi về nội dung và lịch trình thực hiện các thủ tục kiểm toán chi tiết có thể làm giảm hiệu quả của các thủ tục này vì đơn vị được kiểm toán có thể dự đoán trước các bước thực hiện.
- Các vấn đề cần được trao đổi gồm:
- Biện pháp kiểm toán viên nhà nước đề xuất để xử lý rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận hay nhầm lẫn;
- Cách thức kiểm toán viên nhà nước tiếp cận hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị;
- Việc áp dụng mức trọng yếu cho cuộc kiểm toán.
- Những vấn đề khác phát sinh khi lập kế hoạch kiểm toán cần thảo luận, trao đổi với đơn vị, gồm:
- Phạm vi sử dụng công việc của kiểm toán nội bộ và cách thức phối hợp với kiểm toán viên nội bộ trên tinh thần xây dựng và hỗ trợ lẫn nhau, trong trường hợp đơn vị có bộ phận kiểm toán nội bộ;
- Quan điểm của lãnh đạo đơn vị được kiểm toán về:
- Cử thành viên lãnh đạo chịu trách nhiệm trao đổi thông tin với kiểm toán viên nhà nước;
- Phân công trách nhiệm giữa các thành viên lãnh đạo đơn vị (Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc…)
- Mục tiêu và chiến lược hoạt động của đơn vị và rủi ro trong hoạt động của đơn vị có thể dẫn đến sai sót trọng yếu;
- Những vấn đề lãnh đạo đơn vị đặc biệt quan tâm trong quá trình kiểm toán, và các phần hành đòi hỏi kiểm toán viên nhà nước phải thực hiện các thủ tục kiểm toán bổ sung;
- Các nội dung quan trọng cần báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước;
- Các vấn đề mà lãnh đạo đơn vị cho là có thể ảnh hưởng đến cuộc kiểm toán báo cáo tài chính.
- Thái độ, nhận thức và hành động của lãnh đạo đơn vị liên quan đến:
- Kiểm soát nội bộ của đơn vị được kiểm toán và tầm quan trọng của kiểm soát nội bộ trong đơn vị, bao gồm cách thức lãnh đạo đơn vị giám sát tính hữu hiệu của kiểm soát nội bộ;
- Những phát hiện hoặc khả năng xảy ra gian lận.
- Biện pháp mà lãnh đạo đơn vị áp dụng khi có những thay đổi về chuẩn mực kế toán, thông lệ quản trị, quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị được kiểm toán… và các vấn đề liên quan.
- Phản hồi của lãnh đạo đơn vị về những vấn đề mà kiểm toán viên nhà nước đã trao đổi trước đây.
- Việc trao đổi với đơn vị được kiểm toán có thể hỗ trợ kiểm toán viên nhà nước lập kế hoạch kiểm toán nhưng không làm thay đổi trách nhiệm của kiểm toán viên nhà nước trong việc lập kế hoạch kiểm toán tổng quát và kế hoạch kiểm toán chi tiết.
Các phát hiện quan trọng khi thực hiện kiểm toán
- Kiểm toán viên nhà nước phải trao đổi với đơn vị được kiểm toán các vấn đề sau:
- Yêu cầu đơn vị cung cấp thông tin bổ sung (nếu cần) nhằm củng cố các bằng chứng kiểm toán đã thu thập;
- Các giải trình bằng văn bản mà kiểm toán viên nhà nước yêu cầu;
- Nhận xét của kiểm toán viên nhà nước về khía cạnh định tính của công việc kế toán đơn vị, bao gồm chính sách kế toán, ước tính kế toán, các thông tin công bố trong báo cáo tài chính và sự phù hợp của việc áp dụng các chính sách, ước tính, trình bày báo cáo tài chính với điều kiện cụ thể của đơn vị;
- Những khó khăn (nếu có) phát sinh trong quá trình kiểm toán, như:
- Các đơn vị hoặc cá nhân trực thuộc trì hoãn việc cung cấp thông tin theo yêu cầu;
- Kiểm toán viên nhà nước mất nhiều thời gian hơn so với dự kiến ban đầu để thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp;
- Không có sẵn các thông tin cần thu thập;
- Những hạn chế, giới hạn mà đơn vị đặt ra với kiểm toán viên nhà nước;
- Đơn vị không thực hiện đầy đủ việc đánh giá về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị theo yêu cầu của kiểm toán viên nhà nước.
Trong một số trường hợp, những khó khăn nêu trên có thể hạn chế phạm vi kiểm toán và dẫn đến ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần.
- Các vấn đề quan trọng khác phát sinh trong quá trình thực hiện kiểm toán như:
- Điều kiện hoạt động ảnh hưởng đến đơn vị, chiến lược và kế hoạch hoạt động của đơn vị có thể dẫn đến rủi ro có sai sót trọng yếu;
- Năng lực của các tổ chức, cá nhân thực hiện công việc tư vấn cho đơn vị không đảm báo;
- Trình độ, năng lực của nhân viên kế toán chưa phù hợp;
- Những hạn chế và khiếm khuyết của hệ thống kiểm soát nội bộ cần điều chỉnh, khắc phục.
- Các vấn đề quan trọng khác liên quan đến việc giám sát quá trình lập và trình bày báo cáo tài chính của đơn vị, như: các sai sót trọng yếu về thông tin hoặc tính không nhất quán trọng yếu của các thông tin được trình bày kèm theo báo cáo tài chính.
- Kiểm toán viên nhà nước có thể trao đổi trực tiếp hoặc lập thành văn bản gửi đơn vị được kiểm toán và yêu cầu đơn vị phải phúc đáp.
Tính độc lập của kiểm toán viên nhà nước
- Kiểm toán viên nhà nước phải trao đổi với đơn vị được kiểm toán các vấn đề liên quan đến tính độc lập của mình, bao gồm:
- Kiểm toán viên nhà nước phải tuân thủ các quy định về đạo đức nghề nghiệp của Kiểm toán nhà nước, đặc biệt về các vấn đề có thể ảnh hưởng đến tính độc lập, như:
- Mối quan hệ giữa kiểm toán viên nhà nước với đơn vị được kiểm toán theo xét đoán chuyên môn của kiểm toán viên nhà nước có thể ảnh hưởng đến tính độc lập của kiểm toán viên nhà nước;
- Các nguy cơ đe dọa tính độc lập của kiểm toán viên nhà nước như: do tư lợi, tự kiểm tra, sự bào chữa, quan hệ gia đình, quan hệ khác và sự đe dọa.
- Kiểm toán viên nhà nước cần trao đổi với đơn vị được kiểm toán về các biện pháp bảo vệ theo yêu cầu nghề nghiệp, pháp luật và các quy định có liên quan.
Quá trình trao đổi
Thiết lập quá trình trao đổi
- Kiểm toán viên nhà nước phải trao đổi với đơn vị được kiểm toán về:
- Mục đích của việc trao đổi;
- Hình thức trao đổi;
- Người tham gia trao đổi như: Thành viên Tổ, Đoàn kiểm toán và thành viên lãnh đạo đơn vị tham gia trao đổi về các vấn đề cụ thể;
- Nội dung dự kiến trao đổi;
- Thời gian trao đổi;
- Quy trình xử lý và báo cáo lại về các vấn đề mà kiểm toán viên nhà nước đã trao đổi;
- Quy trình xử lý và báo cáo lại về các vấn đề mà đơn vị được kiểm toán đã trao đổi.
- Trước khi trao đổi với Hội đồng quản lý, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, kiểm toán viên nhà nước cần trao đổi các vấn đề liên quan với Ban Giám đốc, bộ phận kiểm toán nội bộ (nếu có) nhằm:
- Khẳng định rõ trách nhiệm quản lý, điều hành của Ban Giám đốc, bộ phận kiểm toán nội bộ, đặc biệt là trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính;
- Làm rõ các nội dung trao đổi và tạo điều kiện cho Ban Giám đốc, bộ phận kiểm toán nội bộ có cơ hội cung cấp thêm thông tin và giải trình liên quan.
- Văn bản trao đổi do kiểm toán viên nhà nước lập không được cung cấp cho bên thứ ba nếu không được phép theo quy định của Kiểm toán nhà nước. Kiểm toán viên nhà nước phải ghi rõ trong văn bản trao đổi với đơn vị được kiểm toán:
- Văn bản trao đổi được lập chỉ cho mục đích sử dụng của đơn vị, không phục vụ cho mục đích của bên thứ ba;
- Kiểm toán viên nhà nước không chịu trách nhiệm gì với bên thứ ba;
- Hạn chế việc cung cấp thông tin do kiểm toán viên nhà nước trao đổi cho bên thứ ba.
Hình thức trao đổi
- Kiểm toán viên nhà nước có thể trao đổi với với đơn vị được kiểm toán bằng văn bản hoặc bằng lời.
- Hình thức văn bản được áp dụng khi:
- Trao đổi với đơn vị được kiểm toán về tính độc lập của kiểm toán viên nhà nước;
- Trao đổi với đơn vị được kiểm toán về những phát hiện quan trọng trong quá trình kiểm toán mà theo xét đoán chuyên môn của kiểm toán viên nhà nước thì việc trao đổi bằng lời là không thích hợp.
- Hình thức trao đổi (bằng lời hoặc văn bản, mức độ chi tiết hoặc tóm tắt, trao đổi có chuẩn bị kỹ lưỡng hay trao đổi đơn giản) chịu ảnh hưởng bởi tầm quan trọng của vấn đề cần trao đổi. Ngoài ra, hình thức trao đổi có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố sau:
- Vấn đề trao đổi đã được giải quyết thỏa đáng hay chưa;
- Quy mô, cơ cấu hoạt động, môi trường kiểm soát, cơ cấu tổ chức theo quy định của pháp luật và đơn vị được kiểm toán;
- Cuộc kiểm toán tài chính có kết hợp với các mục đích khác hay không;
- Số lượng các cuộc gặp và trao đổi giữa kiểm toán viên nhà nước với đơn vị được kiểm toán;
- Có sự thay đổi đáng kể về thành viên lãnh đạo đơn vị.
- Khi trao đổi các vấn đề quan trọng với một bộ phận quản lý trong đơn vị được kiểm toán, kiểm toán viên nhà nước có thể cần tóm tắt lại vấn đề đó trong cuộc trao đổi lại với lãnh đạo đơn vị được kiểm toán.
Thời điểm trao đổi
- Kiểm toán viên nhà nước phải kịp thời trao đổi các vấn đề cần thiết với lãnh đạo đơn vị được kiểm toán.
- Thời điểm thực hiện trao đổi phù hợp với điều kiện từng cuộc kiểm toán. Các điều kiện này bao gồm nội dung, tầm quan trọng của vấn đề và các biện pháp đơn vị được kiểm toán có thể áp dụng, cụ thể:
- Những trao đổi liên quan đến việc lập kế hoạch thường được thực hiện ở giai đoạn khảo sát, thu thập thông tin;
- Kiểm toán viên nhà nước cần trao đổi càng sớm càng tốt về:
- Các khó khăn trong quá trình kiểm toán;
- Trao đổi ngay bằng lời với đơn vị được kiểm toán về những khiếm khuyết nghiêm trọng trong kiểm soát nội bộ mà kiểm toán viên nhà nước phát hiện ra, trước khi thực hiện việc trao đổi bằng văn bản.
- Việc trao đổi về tính độc lập của kiểm toán viên nhà nước cần được thực hiện vào thời điểm kiểm toán viên nhà nước đưa ra những xét đoán quan trọng về nguy cơ đe dọa tính độc lập và các biện pháp bảo vệ liên quan, như khi chuẩn bị kiểm toán hoặc họp thông qua dự thảo biên bản, báo cáo kiểm toán;
- Trao đổi các phát hiện kiểm toán thực hiện khi kết thúc kiểm toán.
- Khi thực hiện kiểm toán tài chính kết hợp với các mục đích khác, kiểm toán viên nhà nước cần kết hợp các thời điểm trao đổi cho phù hợp.
- Những yếu tố khác ảnh hưởng đến thời điểm trao đổi, gồm:
- Quy mô, cơ cấu tổ chức, đặc điểm hoạt động, môi trường kiểm soát của đơn vị được kiểm toán;
- Mong muốn của lãnh đạo đơn vị được kiểm toán có các cuộc gặp hoặc trao đổi định kỳ với kiểm toán viên nhà nước;
- Thời điểm kiểm toán viên nhà nước phát hiện ra vấn đề cần trao đổi.
Tính đầy đủ và phù hợp của quá trình trao đổi
- Kiểm toán viên nhà nước phải xem xét đánh giá nội dung trao đổi với đơn vị được kiểm toán đã đầy đủ cho mục đích của cuộc kiểm toán hay chưa. Nếu thấy nội dung trao đổi chưa đủ, kiểm toán viên nhà nước phải đánh giá mức độ ảnh hưởng (nếu có) đến:
- Đánh giá của kiểm toán viên nhà nước về rủi ro có sai sót trọng yếu;
- Khả năng thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp;
- Thực hiện thêm các biện pháp khắc phục phù hợp.
- Việc đánh giá nội dung trao đổi có thể dựa trên:
- Tính phù hợp và kịp thời của các biện pháp lãnh đạo đơn vị được kiểm toán đã xử lý các vấn đề mà kiểm toán viên nhà nước đã phát hiện và trao đổi. Kiểm toán viên nhà nước cần tìm hiểu lý do khi các vấn đề quan trọng được trao đổi lần trước với đơn vị được kiểm toán không được xử lý thỏa đáng và xem xét khả năng trao đổi lại về vấn đề đó (việc này để tránh rủi ro đơn vị được kiểm toán cho rằng vấn đề đã được giải quyết thỏa đáng và không còn quan trọng nữa);
- Thái độ cởi mở của đơn vị được kiểm toán trong quá trình trao đổi;
- Mức độ tham gia và khả năng của bộ phận trong đơn vị được kiểm toán mà kiểm toán viên nhà nước đã thực hiện trao đổi;
- Mức độ hiểu biết của đơn vị được kiểm toán về các vấn đề mà kiểm toán viên nhà nước trao đổi;
- Khó khăn trong việc thống nhất với đơn vị được kiểm toán về hình thức, thời điểm trao đổi và nội dung trao đổi dự kiến;
- Nhận thức của lãnh đạo đơn vị được kiểm toán về ảnh hưởng của các vấn đề trao đổi đến trách nhiệm của mình;
- Việc trao đổi giữa kiểm toán viên nhà nước và đơn vị được kiểm toán có tuân thủ các yêu cầu của pháp luật và các quy định có liên quan hay không.
- Việc trao đổi hai chiều không đầy đủ có thể cho thấy môi trường kiểm soát của đơn vị đang hoạt động không hiệu quả và ảnh hưởng đến việc đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu của kiểm toán viên nhà nước. Kiểm toán viên nhà nước có thể gặp rủi ro không thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính và thông tin tài chính được kiểm toán.
- Khi trao đổi giữa kiểm toán viên nhà nước và đơn vị được kiểm toán không đầy đủ và tình hình không được cải thiện, kiểm toán viên nhà nước có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Đưa ra ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần do bị hạn chế phạm vi kiểm toán;
- Báo cáo với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cao hơn (cơ quan chủ quản hoặc đơn vị cấp trên của đơn vị được kiểm toán) về vấn đề liên quan;
- Tham khảo ý kiến của chuyên gia tư vấn pháp luật và chuyên gia chuyên môn về hậu quả của từng biện pháp có thể thực hiện.
Tài liệu, hồ sơ kiểm toán
- Kiểm toán viên nhà nước phải lập và lưu trữ trong tài liệu, hồ sơ kiểm toán những vấn đề đã trao đổi, thời gian trao đổi và các thành viên tham gia trao đổi và lưu kèm văn bản trao đổi (trong trường hợp trao đổi bằng văn bản), văn bản giải trình của đơn vị được kiểm toán theo quy định tại CMKTNN 1230 – Tài liệu, hồ sơ kiểm toán của cuộc kiểm toán tài chính.
The post QUY ĐỊNH CHUẨN MỰC KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC SỐ 1260 appeared first on Dịch Vụ Làm Báo Cáo Tài Chính cuối năm.